Yêu cầu về sự cẩn trọng khi chuẩn bị tham gia hay khi đàm phán và ký kết các giao dịch thương mại, dân sự nói chung và giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nói riêng tuy không phải là vấn đề mới nhưng một lần nữa cho thấy không thể xem nhẹ.
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Pháp luật, được chúng tôi tổng hợp từ báo TBKTSG, nguồn bài: http://www.thesaigontimes.vn/277445/tu-cau-chuyen-ba-huan–vinacapital-ban-ve-tranh-chap-ngon-ngu-trong-hop-dong.html
Khi xảy ra tình huống lệch pha nghiêm trọng nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài mà không có quy định ưu tiên áp dụng ngôn ngữ nào, trọng tài hay tòa án thường xem xét đến các chứng cứ khác liên quan đến quá trình hình thành hợp đồng
Trong bài viết này, người viết xin bàn về một khía cạnh khá hẹp của công tác soạn thảo, rà soát hợp đồng nhưng lại là vấn đề hết sức quan trọng và cũng là điểm chính mà Công ty Ba Huân dựa vào để “kêu cứu” (trong thương vụ giữa Ba Huân và VinaCapital vừa mới chấm dứt). Đó là vấn đề về ngôn ngữ trong hợp đồng.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu các bên sau đó ngồi lại và tìm được tiếng nói chung. Trường hợp không thống nhất được mà buộc phải đưa nhau ra cơ quan tài phán phân xử, các vấn đề này được giải quyết như thế nào dưới góc độ pháp luật Việt Nam?
Quy định pháp luật về ngôn ngữ hợp đồng
Xuất phát chủ yếu từ nhu cầu quản lý nhà nước, trong một số trường hợp, đối với một số loại hợp đồng đặc thù như hợp đồng xây dựng, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng tiêu dùng (với quan niệm người tiêu dùng là người Việt Nam), các quy định pháp lý liên quan có đề cập tới yêu cầu cần phải có bản tiếng Việt. Còn lại, pháp luật Việt Nam nhìn chung không đặt nặng vấn đề ngôn ngữ thể hiện trong hợp đồng. Ngay cả Luật Thương mại 2005 vốn được coi là luật chủ yếu điều chỉnh nội dung của các giao dịch thương mại cũng không có nội dung nhắc đến loại ngôn ngữ sử dụng trong các hợp đồng phải là tiếng Việt hay có thể được sử dụng tiếng nước ngoài không. Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) cũng chỉ dừng ở mức quy định giao dịch dân sự được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản chứ không đề cập chi tiết đến khía cạnh ngôn ngữ trong hợp đồng. Điều này có thể hiểu các bên hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn loại ngôn ngữ phù hợp để thể hiện ý chí của mình, chứ không nhất thiết phải là tiếng Việt.
Nội dung vênh nhau giữa bản tiếng nước ngoài và tiếng Việt của hợp đồng
Không phải quy định pháp luật giải quyết tranh chấp lúc nào cũng đầy đủ, một khi đã đặt số phận của doanh nghiệp mình vào niềm tin nội tâm và sự phán quyết theo lẽ công bằng của người xét xử, các bên tranh chấp đang đối mặt với ít nhiều rủi ro, không khác gì việc ký hợp đồng mà không tìm đến người tư vấn có chuyên môn phù hợp. Trước khi chờ ai cứu thì doanh nghiệp nên tự cứu mình trước.
Khi tư vấn hợp đồng, các luật sư luôn chú ý kiểm soát rủi ro liên quan đến sự lệch pha nội dung giữa hai, ba thứ tiếng trên một giao dịch. Khi đó, tại đoạn cuối trong điều khoản cuối của hợp đồng thường được bổ sung thêm nội dung, chẳng hạn: “Hợp đồng này được lập thành [số bản], bản tiếng Anh, tiếng Việt và Mông Cổ có giá trị ngang nhau, trong trường hợp có sự vênh nhau giữa bản tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Mông Cổ thì bản tiếng Việt sẽ được ưu tiên áp dụng”.
Tuy nhiên, nếu không có sự phân định trước và rõ về loại ngôn ngữ được ưu tiên sử dụng để giải thích hợp đồng và chẳng may tranh chấp xảy ra, dẫn đến một bên chiếm ưu thế hơn hẳn so với bên còn lại khi hợp đồng tiếng Anh được áp dụng và ngược lại, thì khi đó cơ quan tài phán xử sao? Có quan điểm cho rằng cần dẫn đến điều khoản giải quyết tranh chấp của hợp đồng. Chẳng hạn, nếu chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp và ngôn ngữ giải quyết tranh chấp đã được xác định là tiếng Anh thì hẳn hợp đồng tiếng Anh sẽ ưu tiên được áp dụng. Trong khi đó, nếu tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền của hợp đồng thì bản tiếng Việt cần phải được viện dẫn, bởi vì căn cứ điều 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), tiếng nói và chữ viết trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.
Tất cả lập luận này đều không chính xác, bởi ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài hay tòa án là phạm trù khác với khái niệm ngôn ngữ hợp đồng. Ngôn ngữ trong tố tụng là ngôn ngữ mà cơ quan tố tụng và các đương sự sử dụng để giao tiếp trong thủ tục hòa giải, trong phiên họp trọng tài hay xét xử tại tòa án. Trong khi đó, ngôn ngữ hợp đồng là ngôn ngữ chứng cứ và được phép sử dụng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số (khoản 3, điều 96 BLTTDS) miễn là khi trình nộp cho cơ quan tố tụng, văn bản đó có thể phải được dịch ra tiếng Việt một cách trung thực nhất nội dung văn bản gốc và chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài sử dụng ngôn ngữ tố tụng là tiếng Việt, do đó, hợp đồng tiếng nước ngoài không thể bị loại bỏ giá trị bởi việc viện dẫn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp như các quan điểm trên.
Thực tế, khi xảy ra tình huống lệch pha nghiêm trọng nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài mà không có quy định ưu tiên áp dụng ngôn ngữ nào, trọng tài hay tòa án thường xem xét đến các chứng cứ khác liên quan đến quá trình hình thành hợp đồng, như biên bản làm việc, các e-mail, thư từ trao đổi qua lại giữa hai bên. Qua đó, người xét xử sẽ đi đến nhận định ý chí chung thật sự mà hai bên hướng đến trong giao dịch liên quan nằm ở bản tiếng nước ngoài hay tiếng Việt. Trên cơ sở đó, căn cứ vào lẽ công bằng, bằng niềm tin nội tâm của người cầm cân nảy mực, họ sẽ đưa ra quyết định bản hợp đồng chứa ngôn ngữ nào được chọn áp dụng.
Ngôn ngữ hợp đồng không rõ ràng
Có nhiều lý do dẫn đến sự không rõ ràng này, như sử dụng ngôn ngữ nước ngoài nhưng không thật sự hiểu ngữ nghĩa hay hoàn cảnh sử dụng, dùng từ địa phương, hay lối diễn đạt, trình bày không rõ nghĩa, rối rắm, dùng từ viết tắt, trong khi một bên lại chủ quan cho rằng bên đối tác cũng hiểu vấn đề như mình, dẫn đến tình trạng một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí không xác định chính xác nội dung điều khoản đó nói gì. Trong những trường hợp như vậy, ý chí chung hay gọi nôm na là cách hiểu chung của các bên tham gia hợp đồng là nhân tố quyết định giải thích sự mờ mịt của ngôn ngữ hợp đồng trong cả giai đoạn tiền tố tụng lẫn tố tụng tại trọng tài hay tòa án.
Theo quy định tại điều 404 BLDS về giải thích hợp đồng, nhìn chung, người cầm cân nảy mực cũng sẽ phải dựa vào mối liên hệ giữa nội dung tranh chấp với các điều khoản khác trong hợp đồng, với các bằng chứng liên quan đến ý chí của các bên trong quá trình hình thành hợp đồng để phân xử. Ngoài ra, do tranh chấp có thể liên quan tới vấn đề giải thích từ ngữ địa phương và văn hóa diễn đạt, tập quán tại nơi hợp đồng được ký kết cũng có thể được tham khảo. Đặc biệt, nguyên tắc giải thích những điều khoản không rõ ràng trên cơ sở có lợi cho bên yếu thế (chẳng hạn bên không nắm quyền soạn thảo hợp đồng) cũng được tận dụng để xử lý các tranh chấp liên quan.
Ngôn ngữ hợp đồng rõ ràng, nhưng không phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia
Cho dù hợp đồng được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài hay tiếng mẹ đẻ, một khi nội dung cam kết rõ ràng (chẳng hạn điều khoản về con số ghi nhận tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% giữa Ba Huân và VinaCapital), tranh chấp phát sinh sẽ không dẫn đến yêu cầu phải giải thích hợp đồng (hay giải thích ngôn ngữ hợp đồng) bởi đơn giản không có gì để phải giải thích. Thay vào đó, để không phải thực hiện cam kết, các bên buộc phải “đi” theo đường yêu cầu cơ quan tài phán tuyên hợp đồng vô hiệu.
Khi đó, không kể việc cần cân nhắc giao dịch có vi phạm điều cấm, có trái đạo đức xã hội không, các cơ quan tài phán thường xem xét hai nhân tố chính gồm: (i) sự tự nguyện ý chí và (ii) có hay không sự tồn tại của dấu hiệu lừa dối và nhầm lẫn tác động đến việc xác lập ký kết hợp đồng này để xác định hợp đồng có thể bị coi là vô hiệu hay không. Trong đó, đối với các giao dịch thương mại, dân sự, sự tự nguyện ý chí được xét ở khía cạnh đơn giản, chủ yếu cơ quan tài phán căn cứ vào năng lực hành vi dân sự chủ thể, xác định thẩm quyền ký hợp đồng, có đúng chữ ký, đúng con dấu và lúc hợp đồng được giao kết có dấu hiệu bị đe dọa hay không. Ngược lại, cơ quan tài phán luôn hết sức khắt khe, tỉ mỉ trong việc xem xét các yếu tố cho thấy sự lừa dối hay dấu hiệu của sự nhầm lẫn trong ký kết hợp đồng để làm cơ sở tuyên vô hiệu một điều khoản hay cả nội dung hợp đồng.
Cụ thể, để chứng minh sự lừa dối theo quy định khoản 1, điều 127 BLDS, bên cho rằng mình bị lừa dối phải xuất trình được các bằng chứng hợp pháp và có tính thuyết phục cao như có sự cố ý đưa thông tin sai lệch hoặc sự che giấu thông tin thật sự về chủ thể, về tính chất, nội dung của sự việc dẫn đến việc họ không nhận biết được mà tin vào thông tin sai lệch đó để rồi quyết định ký kết hợp đồng
Đối với trường hợp xác định vô hiệu do nhầm lẫn, điều 126 BLDS quy định “Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu”. Tuy nhiên, đây là một quy định gây rất nhiều tranh luận và không hề dễ áp dụng vì luật chưa đề cập hay giải thích chi tiết là lỗi gây nên sự nhầm lẫn do ai gây ra, người bị nhầm lẫn có buộc phải ý thức về khả năng bị nhầm lẫn này không, hay thế nào là đạt được mục đích của giao dịch.