Ở nước nào cũng vậy, vì nhiều lý do khác nhau, tâm lý chung của người sử dụng lao động (NSDLĐ) là không muốn người lao động (NLĐ) của mình chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp mà họ coi là đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, giữa tâm lý không muốn đó và việc thực hiện các hành vi cụ thể nhằm ngăn cản NLĐ cũ đến với “người mới” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bởi vì khi đó, NSDLĐ buộc phải sử dụng một hoặc một số công cụ kinh tế và pháp lý nhất định.
Trong đó, phổ biến nhất là việc yêu cầu NLĐ ký thỏa thuận không cạnh tranh, cam kết không làm việc cho đối thủ của NSDLĐ sau khi NLĐ nghỉ việc (Non Competion Agreement, hay được gọi tắt là NCA).
Đáng chú ý, việc sử dụng cam kết này ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn đến các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũngnhư mở rộng đối tượng áp dụng không chỉ ở các nhân sự cấp cao mà còn đối với cả các nhân viên bình thường.
Câu hỏi đặt ra trước thực tế là hiện nay NCA vốn là nội dung gây nhiều tranh luận trái chiều ở Việt Nam về việc nó có được hoặc có nên được pháp luật thừa nhận, cho phép hay không thì ở các nước trên thế giới, người ta đang “đối xử” với NCA này ra sao?
Sự thật là: NCA không thật sự được khuyến khích ở hầu hết các nước
Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất khi đề cập đến NCA chính là: Liệu thỏa thuận này có hợp pháp hay không? Đây không chỉ là thực tế ở Việt Nam mà ở cả các nước khác trên thế giới.
Điều này thật ra cũng dễ hiểu bởi NCA có liên quan trực tiếp tới việc hạn chế quyền lao động và tìm kiếm việc làm, quyền mưu cầu các cơ hội tốt hơn trong nghề nghiệp, những quyền cơ bản nhất của của người dân ở bất cứ quốc gia nào.
Giữa các nước khác nhau lại có sự nhìn nhận không giống nhau, hoặc thậm chí ngược nhau về NCA. Đó là chưa kể giữa các địa phương (bang hay tiểu bang) trong cùng một nước cũng có thể có sự khác nhau trong việc tiếp cận và xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh từ cam kết hạn chế quyền làm việc của NLĐ này.
Tuy nhiên, có một điểm chung đáng lưu ý là ở hầu hết các nước có nền tư pháp phát triển mà người viết tìm hiểu, không có nơi nào mà pháp luật thừa nhận rằng việc ký kết và thực thi NCA hoàn toàn là vấn đề được tự do thỏa thuận giữa các bên.
Nói cách khác, ở đa số các nước, tuy thỏa thuận theo đó NLĐ cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi nghỉ việc được thừa nhận, pháp luật của những nơi đó vẫn không xem đây là những giao dịch thương mại, dân sự thông thường, mà là các cam kết phái sinh từ quan hệ thuê mướn lao động, giữa một bên nắm công cụ sản xuất, kinh doanh và một bên đi làm thuê, phụ thuộc.
Theo đó, quan điểm xét xử thận trọng nằm lòng của các cơ quan tài phán khi tiếp cận bất kỳ tranh chấp nào mà có liên quan tới NCA luôn là:
(i) Ưu tiên bảo hộ quyền lao động (pro-labor); và (ii) phán quyết công nhận việc ngăn cản NLĐ làm công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ luôn là việc “đặng chẳng đừng” (reluctant).
Chẳng hạn, ở Đức, thỏa thuận NCA không thể ngăn cản NLĐ làm việc cho đối thủ cạnh tranh quá 24 tháng sau khi nghỉ việc. Đồng thời, NSDLĐ phải tiếp tục trả cho NLĐ tối thiểu 50% lương cho thời gian cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, không gian địa lý mà NLĐ bị giới hạn không làm việc cho đối thủ theo kiểu… được hết như “trên toàn lãnh thổ nước Đức”, hay “trên toàn lãnh thổ Liên minh Châu Âu” thường bị coi là không phù hợp (quá rộng) và thỏa thuận, theo đó, có thể bị tuyên vô hiệu.
Còn ở Anh, dù không minh thị cấm nhưng trong thực tế thì chính quyền không muốn “đụng” đến chủ đề nhạy cảm này, nên không tồn tại một quy phạm pháp luật khung cụ thể nào cả.
Việc xem xét chấp nhận hiệu lực của một thỏa thuận NCA thường được tòa án cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên từng vụ việc cụ thể, các tiền lệ và luôn bắt đầu bằng ý thức rằng đây rõ ràng là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (restraint of trade).
Thỏa thuận NCA sẽ được xem là vô hiệu nếu phạm vi lợi ích được bảo vệ của NSDLĐ không được cụ thể hóa và chỉ dừng lại ở mức thật sự hợp lý. Theo đó, những thuật ngữ phổ biến và.. đầy tham vọng hay dùng trong hợp đồng dạng này như “bao gồm nhưng không giới hạn” hay “trực tiếp hay gián tiếp”, thậm chí “liên quan đến” (be concerned hay be interested) có thể khiến thỏa thuận này không được công nhận do tòa án nhận xét chúng như là quá rộng và vượt qua sự hợp lý và dè dặt cần thiết về mặt ngôn ngữ để bảo vệ từng lợi ích chính đáng của NSDLĐ
Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, thỏa thuận NCA chỉ được chấp nhận khi đó là một sự giao kết dân sự song vụ thỏa đáng. Khi đó, NSDLĐ muốn NLĐ cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh thì phải trả tiền cho NLĐ đối với việc cam kết đó.
Để tránh việc NLĐ có thể bị ép “bán” quyền lao động của mình với giá không tương xứng, khoản tiền đền bù cho thời gian cam kết nếu dưới 60% mức lương của NLĐ thì có thể khiến thỏa thuận NCA bị tuyên vô hiệu.
Bên cạnh đó, đối với NLĐ, dù đang nắm giữ bí mật kinh doanh như thế nào, nếu không được coi là lao động cấp cao thì sẽ không thể bị ràng buộc bởi một thỏa thuận có thời hạn hơn 6 tháng sau khi nghỉ việc.
Chưa hết, khi thỏa thuận NCA đã được ký, trong trường hợp NSDLĐ thay đổi ý kiến, muốn hủy cam kết, không muốn ngăn NLĐ làm việc cho đối thủ cạnh tranh nữa, nếu không được sự chấp thuận của NLĐ thì vẫn phải… thanh toán khoản tiền đền bù cho cam kết đã ký như thường. Điều này khiến NSDLĐ phải cân nhắc kỹ, không có chuyện thích thì yêu cầu cam kết, không thích thì đổi ý mà không phải chịu trách nhiệm gì.
Ở chiều ngược lại, ở một số nước, chẳng hạn như Mexico, việc thỏa thuận không cho phép NLĐ làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi nghỉ việc không được công nhận, bởi vì trên hết điều này bị coi là vi phạm quy định của Hiến pháp, xâm phạm quyền tối thượng của của con người được tự do làm việc và tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, tại tiểu bang California (Mỹ), cơ quan lập pháp và tư pháp ở đây đã thể hiện sự quyết liệt tuyệt đối trong việc không thừa nhận thỏa thuận NCA.
“Nghịch lý”… California
Dù chỉ là một tiểu bang của Mỹ nhưng nền kinh tế của California lại được xếp thứ… 5 trên thế giới, trên cả các cường quốc kinh tế thế giới như Anh và Pháp, chỉ chấp nhận đứng sau chính nước… Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Đức mà thôi.
Một trong những lý giải cho vị thế này là nơi đây chính là cái nôi hình thành, phát triển và đặt trụ sở chính của hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt, Thung lũng Silicon với các doanh nghiệp khổng lồ như Google, Apple, Intel hay Facebook.
Theo lẽ thông thường, nhu cầu bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ dẫn đến thỏa thuận không cho nhân viên cũ làm việc cho đối thủ cạnh tranh phải thể hiện rõ California hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Tuy nhiên, sự thật lại ngược lại, các nhà làm luật và tòa án tại đây luôn quán triệt quan điểm được quy định trong Luật Nghề nghiệp và Kinh doanh của Bang: “mọi hợp đồng khiến cho bất kỳ người nào bị hạn chế tham gia vào một nghề nghiệp, hoạt động thương mại hoặc kinh doanh hợp pháp dưới bất kỳ hình thức nào đều bị vô hiệu”.
Theo đó, tất cả các thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh của NSDLĐ sau khi NLĐ nghỉ việc khi mang ra tòa án giải quyết đều bị tuyên vô hiệu, dù đó là thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện từ phía NLĐ.
Đối phó với quy định này, một số công ty đã tìm cách thỏa thuận với NLĐ về việc chọn áp dụng luật của các tiểu bang khác để điều chỉnh thỏa thuận NCA, vốn là một lựa chọn hợp pháp.
Để chấm dứt tình trạng này, các nhà làm luật California đã tiến hành sửa đổi Luật lao động của Bang, quy định kể từ ngày 01/01/2017, NLĐ sống và làm việc tại California thì quan hệ của họ với NSDLĐ phải được điều chỉnh bởi pháp luật của Tiểu bang California và các tranh chấp (nếu có) phải được xét xử bởi tòa án có thẩm quyền tại California .
Quy định này còn áp dụng đối với trường hợp hợp đồng lao động được ký kết ở các bang khác nhưng NSDLĐ có ý định trong tương lai sẽ chuyển NLĐ đến làm việc tại California.
Những quy định trên của chính quyền California được giải thích là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ trong việc được tự do tìm kiếm cơ hội ở những doanh nghiệp mà sẵn sàng đánh giá đúng năng lực của họ và sẵn sàng trả cao hơn. Điều này khuyến khích việc nâng cao năng suất lao động và tính sáng tạo của lực lượng lao động.
Tất nhiên, đối với một tiểu bang mà sự thịnh vượng của họ được đánh giá có công lớn của các hãng công nghệ, các định chế tài chính, là những doanh nghiệp mà sự sống còn phụ thuộc nhiều vào việc gìn giữ các tài sản sở hữu trí tuệ và bí mật công nghệ, bí mật khách hàng, khó có thể khẳng định chính quyền ở đây lơ là trong việc bảo vệ thỏa đáng lợi ích của NSDLĐ.
Vấn đề là họ đánh giá việc bảo vệ NSDLĐ trước những lo lắng mơ hồ của họ về việc bí mật kinh doanh bị tiết lộ khi NLĐ chuyển qua làm cho đối thủ cạnh tranh bằng việc ủng hộ các thỏa thuận NCA sẽ gây hại nhiều hơn là các lợi ích thu được.
Điều đáng nói là vốn chỉ là tiểu bang thiểu số áp dụng chính sách này ở Mỹ, nhưng hành động của chính quyền California có ảnh hưởng sâu rộng ở Mỹ và được chính quyền trung ương hết lòng ủng hộ.
Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Obama từng kêu gọi các bang trên toàn quốc ban hành chính sách tương tự như California nhằm ngăn chặn “làn sóng” NSDLĐ lạm dụng thỏa thuận NCA để ngăn cản nhân viên tìm công việc mới tốt hơn hoặc môi trường làm việc cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, noi gương của California, hàng chục tiểu bang khác đã và đang thực hiện việc ban hành các quy định cụ thể nhằm cấm hoặc hạn chế sự lạm dụng thỏa thuận NCA của các doanh nghiệp.
Điều này càng có ý nghĩa đối với một quốc gia mà hiện tại, hơn 20% lao động bị yêu cầu ký thỏa thuận NCA, tức là từng người làm thuê của nước Mỹ bị cản trở làm công việc đúng với chuyên môn, sở trường sau khi nghỉ việc.
Nỗi lo thất nghiệp khiến NLĐ phải hết sức đắn đo khi muốn thoát khỏi NSDLĐ mà họ không còn muốn gắn bó nữa. Năng suất lao động và sức sáng tạo, vì thế, bị ảnh hưởng. Cơ hội tăng thu nhập, thăng tiến trong nghề nghiệp bị hạn chế hoặc mất đi do NSDLĐ được giảm áp lực phải giữ chân nhân viên nhờ “bảo bối”… NCA.
Đối với chính phủ, gánh nặng chi phí trợ cấp thất nghiệp và an sinh xã hội khác trở nên quá tải với lượng lớn NLĐ nghỉ việc và bị cản trở đến với NSDLĐ mới do NCA ràng buộc.
Thừa nhận hay không thừa nhận NCA ở Việt Nam: Cần cân nhắc kỹ
Tham khảo nhiều thỏa thuận NCA ở Việt Nam, người viết nhận thấy rằng lý do chính được đưa ra để giải thích cho việc NLĐ cam kết không chuyển qua làm việc cho đối thủ cạnh tranh của NSDLĐ tập trung vào sự lo lắng của NSDLĐ về việc bí mật kinh doanh hay bí mật công nghệ của họ có thể bị NLĐ tiết lộ.
Rõ ràng đây là lý do hợp lý và hợp pháp bởi lẽ theo Điều 23.2 của Bộ luật Lao động 2012 và điều 84 của Luật Sở hữu Trí Tuệ cho phép người nắm giữ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ được áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ các tài sản này của mình.
Tuy vậy, bảo vệ lợi ích của một bên mà khiến quyền và lợi ích chính đáng của bên khác bị xâm phạm lại là một chuyện khác, chưa kể đây là bên khác bị xâm phạm chính là bên yếu thế hơn trong giao dịch giữa hai bên.
Do vậy, việc lý giải rằng NLĐ hoàn toàn tự nguyện ký vào cam kết NCA cần được xem xét thỏa đáng ở từng hoàn cảnh cụ thể khi văn bản được giao kết.
Với những phân tích ở trên, người viết cho rằng, thừa nhận hay không thừa nhận, hoặc công nhận có giới hạn và có điều kiện cam kết hạn chế quyền lao động của NLĐ trong thỏa thuận NCA cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cân nhắc, tính toán thật kỹ trên cơ sở tham khảo bức tranh NCA của các nước để hướng đến ban hành một quy định về NCA thật phù hợp với tình hình thực lao động tiễn của Việt Nam trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).