Luật Sư Lạc Duy

Vụ kiện Vinasun-Grab: chờ quyết định của người cầm cân nảy mực

vu-kien-vinasun-grab

Vụ tranh chấp dường như không còn là việc riêng của Grab và Vinasun nữa mà là cuộc chiến của “taxi truyền thống” và “taxi công nghệ”. Người ta cần biết quan điểm của người cầm cân nảy mực trong vụ tranh chấp này là gì.

vu-kien-vinasun-grab
Những người theo dõi vụ án quan tâm nhất là tòa án sẽ thể hiện thế nào với vai trò người cầm cân nảy mực của mình. Ảnh: Dân Trí

Tôi thuộc nhóm những người có cảm tình với Grab và từ lâu đã chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ của Grab. Nhưng không vì thế mà việc Vinasun kiện Grab gây nên một sự khó chịu hay mất cảm tình nào thêm đối với Vinasun. Ngược lại, tôi đánh giá cao hành động Vinasun sử dụng một trong những quyền quan trọng nhất mà pháp luật ban cho: Quyền khởi kiện dân sự khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Bỏ qua việc cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch xây dựng định danh và khung pháp lý cho hoạt động của Grab, vụ kiện giữa Vinasun và Grab nếu đi đến cùng vẫn có một ý nghĩa quan trọng, như một bài học trong việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh các hiện tượng phát sinh trong đời sống kinh tế xã hội. Ở đây là việc ứng xử với các mô hình kinh doanh mới mà các quy định pháp luật đã ban hành chưa kịp ghi nhận hoặc chưa ghi nhận, điều chỉnh một cách đầy đủ.

Hiếm có vụ kiện dân sự nào thu hút sự quan tâm của dư luận như vậy. Điều này cũng dễ hiểu, vì nó “đụng” đến hai doanh nghiệp đình đám nhất trong lĩnh vực gần như quan trọng nhất của đời sống đô thị: lĩnh vực đi lại.

Ngoài ra, đây có thể nói là đầu tiên ở Việt Nam, một doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống khởi kiện một doanh nghiệp ra đời trong trào lưu cách mạng công nghệ 4.0 vì bị…. lấy mất việc làm, gây thiệt hại về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Điều này vô hình trung sẽ giúp phổ biến nhận thức của người dân liên quan tới các vấn đề pháp lý của một vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ngoài ra, nó phần nào giúp các nhà quản lý nhận thức rõ hơn những khoảng trống pháp lý phía sau vụ đáo tụng đình giữa một doanh nghiệp truyền thống với một doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình mới như Grab, để từ đó chủ động xây dựng các khung pháp lý phù hợp, có lường trước tới việc ứng xử với các nhân tố mới trong nền kinh tế mà các quy định hiện hành chưa theo kịp.

Phán quyết của tòa án sẽ phải chỉ ra Grab có vi phạm các điều kiện cho phép Grab hoạt động tại Việt Nam với tư cách là đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe hay không. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề Grab có nên hay không nên được tạo điều kiện phát triển, hay Grab mang lại lợi ích như thế nào đến cho người tiêu dùng, hoặc góp phần thay đổi nền kinh tế áp dụng thành tựu công nghệ ở Việt Nam như thế nào. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Grab có thể vẫn cần phải chịu trách nhiệm nếu có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, dù điều đó có mang lại lợi ích cho khách hàng hay cộng đồng đi chăng nữa.

Có người cho rằng nếu Grab thua kiện thì đấy chẳng khác nào một bước lùi của cách mạng công nghệ 4.0, đi ngược chủ trương khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh của Chính phủ.

Tôi cho rằng điều này không đúng, vì đúng là Chính phủ có chủ trương khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nhất định bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng đều trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật. Khi đó, cơ quan cao nhất có thẩm quyền xác định một hành vi có vi phạm pháp luật hay không chính là cơ quan tài phán, là tòa án.

Liên quan tới phán quyết của tòa án, có vẻ như con số 41 tỉ đồng thiệt hại mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường gây quá nhiều ấn tượng và thu hút sự quan tâm của các bên liên quan và cả những người theo dõi vụ tranh chấp. Trong khi đó, vấn đề chính của vụ kiện không phải là số tiền Grab phải bồi thường mà là có hay không có hành vi vi phạm pháp luật của Grab. Nên nhớ trong vụ kiện giữa Taxi Elite – một hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp tại Barcelona kiện Uber Systems Tây Ban Nha –  một công ty con của Uber được Tòa án Tây Ban Nha và Tòa án Công lý châu Âu thụ lý, không có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vấn đề duy nhất và quan trọng nhất nguyên đơn yêu cầu xem xét là tòa án định danh hoạt động của Uber. Chiến thắng “vang dội” của taxi truyền thống châu Âu chống lại Uber là phán quyết của tòa án coi Uber là taxi chứ không phải là việc số tiền Uber phải bồi thường bao nhiêu?

Thế nhưng, khi vụ tranh chấp đang đến hồi ngã ngũ và tòa án sắp ra phán quyết thì Grab và Vinasun lại bất ngờ chùng xuống và đề nghị tạm “đình chiến” để thu xếp với nhau nơi hậu trường. Việc hòa giải này chắc chắn chẳng liên quan gì tới việc định danh của Grab hay xác định Grab có vi phạm pháp luật không, bởi đó là việc của tòa án. Do vậy, không thể nói là không thấy… tiếc bởi vụ tranh chấp vốn dường như không còn là việc riêng của hai doanh nghiệp này nữa mà là cuộc chiến của “taxi truyền thống” và “taxi công nghệ”. Người ta cần biết quan điểm của người cầm cân nảy mực trong vụ tranh chấp này là gì. Trong khi trước đó, Vinasun khẳng định sẽ đi tới cùng trong vụ tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của taxi truyền thống (bao gồm Vinasun và các hãng taxi khác) và chống lại kiểu làm ăn “bát nháo” của Grab. Ở chiều ngược lại, Grab cho rằng trên tinh thần của một doanh nghiệp có uy tín và trách nhiệm, sẵn lòng nhân vụ kiện của Vinasun để thông tin đến đến mọi người tính đúng đắn trong các hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, khi tiếp tục đưa vụ kiện ra xét xử sau gần một tháng tạm dừng để các bên hòa giải, câu trả lời mà Hội đồng xét xử nhận được là việc hòa giải không đạt được kết quả. Điều này có nghĩa tòa án sẽ lại quay trở lại vai trò trung tâm để phân xử. Khi đó, dù “phục” hay “không phục” phán quyết của tòa, đây vẫn là quan điểm chính thức đầu tiên của một cơ quan có thẩm quyền về định danh cho Grab và hoạt động của Grab.

Bất kể bên thắng hay thua là Grab hay Vinasun, có một điều chắc chắn là một khi bản án của tòa đã có hiệu lực, các bên buộc phải tuân thủ và cần phải có những điều chỉnh về hành vi và chiến lược kinh doanh của mình trong tương lai. Khi đó, bên cạnh cuộc đua “lấy lòng” khách hàng, việc tuân thủ pháp luật là điều các bên cần nghĩ tới nếu không muốn vướng vào các vụ kiện tương tự.

Còn bây giờ, có lẽ điều những người theo dõi vụ án quan tâm nhất là tòa án sẽ thể hiện thế nào với vai trò người cầm cân nảy mực của mình.

Luật Sư Lạc Duy